Giới thiệu chung về Chương trình đào tạo ngành Hàn Quốc học
Tên chương trình đào tạo bằng tiếng Việt : HÀN QUỐC HỌC
Tên chương trình đào tạo bằng tiếng Anh : KOREAN STUDIES
Ngành đào tạo: Hàn Quốc học Mã ngành: 7310614
Trình độ đào tạo: Đại học
Văn bằng sau tốt nghiệp: Cử nhân Hàn Quốc học
Hình thức đào tạo: Chính quy
Chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Hàn Quốc học thuộc Bộ môn Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên được thiết kế dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 17/2021/BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học); của Đại học Thái Nguyên (Quyết định số 691/QĐ-ĐHTN ngày 17/4/2018 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên về việc ban hành quy định phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Thái Nguyên; Quyết định số 1192/QĐ-ĐHTN ngày 7/6/2018 về Quy trình đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo tại Đại học Thái Nguyên).
CTĐT ngành Hàn Quốc học được thiết kế hướng tới đào tạo người học toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực chủ động, sáng tạo của người học, tích hợp phát triển kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có thể đảm nhận công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong tương lai, cũng như cơ hội học tập nâng cao trình độ. CTĐT được cập nhật những phương pháp giảng dạy mới, những nội dung kiến thức mới, cũng như các kỹ năng nghề nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Nội dung phát triển CTĐT đặc biệt chú ý đến các vấn đề sau:
+ Đảm bảo chất lượng CTĐT, CTĐT phải được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra, các học phần được lựa chọn phải đảm bảo đóng góp vào chuẩn đầu ra của CTĐT;
+ Đa dạng hoá các phương pháp dạy-học, phương pháp kiểm tra đánh giá; đảm bảo các phương pháp kiểm tra đánh giá và phương pháp dạy-học được thiết kế phù hợp góp phần vào việc đạt được chuẩn đầu ra của CTĐT;
+ Đảm bảo khả năng giao tiếp bằng Tiếng Hàn của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
+ CTĐT được thiết kế phù hợp nhằm thúc đẩy tinh thần tự học, sáng tạo, chủ động trong học tập, rèn luyện của người học;
+ Tài liệu giảng dạy đảm bảo tính cập nhật, tạo điều kiện cho người học phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu đối với mỗi học phần trong CTĐT;
+ Khai thác tối đa sự hỗ trợ của các cơ sở thực hành/thực tập trong hoạt động rèn nghề cho người học;
+ Chú trọng phát triển kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cần có với nhân viên quản lý như: kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp trong quản lý, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng kiểm tra, kỹ năng soạn thảo văn bản quản lý, kỹ năng phân tích chính sách…
CTĐT ngành Hàn Quốc học được thiết kế dựa trên cơ sở tham khảo, đối sánh với chương trình đào tạo ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN; Trường Đại học KHXH Nhân văn (ĐHQG TP.HCM); Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Đà Lạt; Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM; Trường Đại học Hồng Bàng. Chương trình đào tạo Hàn Quốc học được cập nhật, rà soát và điều chỉnh theo quy định hiện hành.
- Điều kiện tốt nghiệp
SV được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tích lũy đủ HP, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của CTĐT, đạt chuẩn đầu ra của CTĐT.
b) Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên;
c) Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập;
d) Thỏa mãn một số yêu cầu về kết quả học tập đối với nhóm HP thuộc ngành đào tạo chính và các điều kiện khác (nếu có) do Nhà trường quy định;
đ) Có chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh đối với các ngành đào tạo không chuyên về quân sự và hoàn thành nội dung giáo dục thể chất.
e) Đảm bảo các yêu cầu của Nhà trường về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học và các điều kiện đặc thù theo CTĐT (nếu có).
- Vị trí việc làm sau tốt nghiệp
Chương trình đào tạo Hàn Quốc học đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng để sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Hàn Quốc học có thể làm việc ở các vị trí công việc khác nhau như: nghiên cứu viên, giảng viên, chuyên viên hay biên - phiên dịch viên của các cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức về văn hoá, giáo dục, ngoại giao, đầu tư, thương mại, các cơ sở giảng dạy tiếng Hàn, tiếng Việt của Việt Nam, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
- Giảng viên/Nghiên cứu viên: có khả năng làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc học.
- Thư ký văn phòng/Trợ lý đối ngoại: có khả năng làm việc tại các cơ quan nhà nước, văn phòng các công ty Hàn Quốc, công ty liên doanh hoặc công ty Việt Nam, phụ trách các mảng công việc có liên quan đến Hàn Quốc hay tiếng Hàn.
- Biên dịch viên/Phiên dịch viên: có khả năng làm việc độc lập với tư cách là một biên dịch viên đối với các văn bản viết hoặc một phiên dịch viên cho các cuộc gặp gỡ tiếp xúc song phương thông thường, biên tập viên tại các nhà xuất bản có ấn phẩm tiếng Hàn, đáp ứng nhu cầu giao tiếp quốc tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước hoặc tư nhân của Việt Nam, Hàn Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
- Cử nhân của ngành Hàn Quốc học có cơ hội làm hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour tại các công ty du lịch hay nhân viên biên – phiên dịch viên. Hướng dẫn viên du lịch tại các khu du lịch có du khách Hàn Quốc hay làm trong công ty du lịch lớn đón tiếp du khách Hàn Quốc, thực hiện các chuyến du lịch Hàn Quốc.
- Chuyên viên Marketing với nhiệm vụ cơ bản là chuyên nghiên cứu về kinh tế, chính trị, đời sống, thương mại Hàn Quốc, viết bài, quản trị website công ty, quản trị fanpage, blog bằng tiếng Hàn Quốc cho công ty, doanh nghiệp ở Thái Nguyên có nhu cầu hợp tác với Hàn Quốc hoặc các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Thái Nguyên.
- Quản lý nhân sự trong các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh...); các công ty, doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có nhu cầu sử dụng quản lý nhân sự Hàn Quốc học.
- Làm việc trong tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tại Việt Nam.
- Nhân viên trong các sở Ngoại vụ, sở Kế hoạch và đầu tư ở các tỉnh thành, trong các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, Hàn Quốc; văn phòng đại diện nước ngoài.
- Biên tập viên, phóng viên trong các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài phát thanh – truyền hình trung ương và địa phương.
- Ngoài ra, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, người học có thể tham gia giảng dạy tiếng Hàn, có khả năng nghiên cứu và tiếp tục học lên trình độ cao học.
- Đối tác sẽ sử dụng lao động, thực tập...
- Các Doanh nghiệp Hàn Quốc tại các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận.
- Các Trung tâm Ngoại ngữ, Công ty tư vấn Du học, Công ty Cung ứng Xuất khẩu lao động.
- Các cơ sở giáo dục có đào tạo tiếng Hàn.